Hội thảo khoa học cấp chuyên gia:
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp rất phổ biến và được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Cúm mùa xảy ra hàng năm với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 5%-10% ở người lớn và 20-30% ở trẻ em. Trong số các ca nhiễm, có khoảng 3- 5 triệu ca bệnh nặng và làm tử vong từ 290.000 – 650.000 người mỗi năm. Các tác động của Cúm mùa còn trầm trọng hơn trên nhóm người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có bệnh nền mãn tính đi kèm.
Nhằm cập nhật các thông tin khoa học mới nhất từ góc nhìn lâm sàng và dịch tễ học về Cúm mùa, Liên Chi Hội Lão Khoa TPHCM với sự tài trợ của công ty Sanofi Aventis Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học cấp chuyên gia “Cúm mùa ở người lớn tuổi: Gánh nặng bệnh tật và Vai trò của vắc-xin phòng Cúm” ngày 25/03/2023. Hội thảo được điều hành bởi PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Trí; Chủ tịch Liên Chi Hội Lão Khoa TPHCM và thu hút 49 chuyên gia y tế trong lĩnh vực Lão Khoa, Nhiễm và Y học dự phòng tham dự. Dưới đây là tóm tắt nội dung các bài trình bày:
Giám sát Cúm mùa ở VN và Cập nhật Dịch tễ học Cúm mùa
PGS.TS.BS. Phạm Quang Thái
Phó khoa Kiểm Soát Bệnh Truyền Nhiễm, Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương
Virus cúm thường xuyên biến đổi và luân phiên hoạt động nên cần có các hoạt động giám sát Cúm để dự báo phòng chống, dự báo công thức vắc-xin cũng như chuẩn bị tốt khi cần ứng phó với các chủng virus mới nổi, đồng thời xác định các nhóm nguy cơ mắc cúm, thời điểm dịch bệnh để có can thiệp phù hợp.
Hệ thống giám sát Cúm của Việt nam gồm giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm, trong đó các mẫu xét nghiệm virus sẽ được làm PCR hay phân lập để xác định tác nhân gây bệnh lưu hành. Kết quả giám sát cho thấy 20,9% các trường hợp hội chứng cúm trên lâm sàng là nhiễm cúm thực sự, được chẩn đoán bằng xét nghiệm PCR (1). Cúm mùa xảy ra quanh năm và có sự lưu hành của các chủng A/H1N1, A/H3N2 và 2 dòng cúm B Victoria và Yamagata (1). Báo cáo của Bộ Y Tế cho 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy số ca mắc cúm tăng trở lại với 141.179 ca (2). Các trường hợp nhiễm Cúm ở Việt Nam trong giai đoạn này chủ yếu là nhiễm chủng A/H3N2 và B/Victoria (3). So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam có số ca mắc mới , tỉ lệ nhập viện và tử vong do cúm trên mỗi 100.000 dân thuộc mức trung bình cao (tỉ lệ lần lượt là 3.710, 139.9 và 2.1 trên mỗi 100.000 dân)(4).
Trong đại dịch Covid, Cúm mùa có thể giảm mức hoạt động nhưng vẫn còn đó và có nguy cơ bùng phát trở lại do giảm mức miễn dịch cộng đồng với Cúm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan quản lý y tế các nước khuyến cáo rất cần tiêm phòng Cúm mùa, cả trước – trong và sau đại dịch Covid-19.
Tham khảo:
- Hội YHDPVN, 2019. Báo cáo Giám sát Cúm mùa tại Hội nghị chuyên đề Cúm mùa 2019.
- Bộ Y Tế Việt Nam, 2022. “Báo cáo Tình hình bệnh cúm mùa 6 tháng đầu năm 2022 và các hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai”.
- WHO, 2023. Thông tin giám sát xét nghiệm Cúm mùa. Có thể truy cập tại Microsoft Power BI – truy cập được ngày 4/4/2023.
- GBD 2017 Influenza Collaborators. Mortality, morbidity, and hospitalisations due to influenza lower respiratory tract infections, 2017: an analysis for the Global Burden of Disease Study 2017. Lancet Respir Med 2019; 7: 69–89
Quý bác sĩ có thể tham khảo file pdf bài trình bày tại ĐÂY.
Gánh nặng Cúm mùa trên người cao tuổi và vai trò của vắc-xin phòng chống cúm mùa
PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Trí
Chủ tịch Liên Chi Hội Lão Khoa TP. HCM
Người cao tuổi thường mang trong mình nhiều bệnh lý mạn tính; tuổi càng cao, số bệnh mạn tính đi kèm càng cao. Ở tuổi trên 65, nhiều người mang trong mình từ 2 đến hơn 6 bệnh lý mạn tính(1); 80% có ít nhất 1 bệnh, 68% có từ 2 bệnh trở lên, thường gặp nhất là cao huyết áp, tăng cholesterol máu, bệnh về khớp, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường …(2). Nhiễm cúm có thể góp phần làm suy giảm chức năng hoặc khiến cho người lớn tuổi không thể phục hồi trở lại với đủ chức năng trước đó khi đã qua khỏi nhiễm trùng.
Cúm có thể gây biến chứng trực tiếp lên hệ hô hấp hoặc gián tiếp lên hệ thống đa cơ quan: nhiễm cúm châm ngòi cho nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay làm nặng thêm bệnh thận hay bệnh đái tháo đường có sẵn(3).
Đối với người cao tuổi (+65 tuổi), nguy cơ tử vong do cúm cao hơn gấp 5 lần nếu có bệnh tim mạch, gấp 12 lần nếu có bệnh phổi mạn tính và gấp hơn 20 lần nếu vừa có bệnh tim, bệnh phổi (4).
Tiêm phòng vắc-xin cúm mùa đã được chứng minh là sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc cúm, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong trên những bệnh nhân có bệnh suy tim, thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn, đái tháo đường và giảm nguy cơ mắc bệnh suy giảm trí nhớ người già (Alzheimer):
- Trên bệnh nhân tim mạch: giảm nguy cơ tử vong 48%, giảm nguy cơ nhập viện vì suy tim 19%, nhập viện vì bệnh mạch vành 20%(5)
- Trên bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): giảm nguy cơ nhập viện 52%, nguy cơ tử vong # 70% (6)
- Trên bệnh nhân có đái tháo đường: giảm 56% nguy cơ các biến chứng, 54% nguy cơ nhập viện, 58% số ca tử vong (7)
- Nguy cơ mắc Alzheimer giảm 40% ở người cao tuổi có tiêm phòng cúm so với không tiêm phòng Cúm (8)
Do vai trò tích cực của vắc-xin phòng Cúm ở người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có bệnh nền mạn tính, nhiều tổ chức y tế và hiệp hội chuyên khoa như Tổ chức y tế thế giới (WHO), US-CDC, Bộ Y Tế Việt nam, Hội Tim mạch Hoa Kỳ, Hội Tim mạch châu Âu, các tổ chức GOLD, GINA, Hội Đái Tháo đường Hoa Kỳ… đều đưa ra khuyến cáo cần tiêm phòng cúm trên người cao tuổi, người cao tuổi có bệnh nền mạn tính.
Tại hội thảo, khảo sát nhanh có 41 bác sĩ tham gia câu hỏi “Quý bác sĩ có đồng ý việc tiêm phòng Cúm mùa cho người lớn tuổi / người lớn tuổi có bệnh lý nền là rất quan trọng và rất cần thiết?” thì 88% bác sĩ hoàn toàn đồng ý, 10% trả lời đồng ý nhưng băn khoăn về thời điểm tiêm vắc-xin lúc nào là tốt nhất: khi đang còn trong bệnh viện, ngay trước lúc xuất viện hay khi tái phám sau đó, chỉ có 1 bác sĩ (2%) không đồng ý với việc tiêm phòng cúm với lý do tăng chi phí và nguy cơ các tác dụng phụ có thể có khi tiêm vắc-xin.
Tham khảo:
- Centers for Medicare & Medicaid Services. Baltimore, MD. 2012, p 11.
- NCOA, 2023. 10 common chronic conditions for Adult 65+. Available at The Top 10 Most Common Chronic Diseases for Older Adults (ncoa.org)
- US-CDC, 2016. Available at https: www.cdc.gov/flu/about/disease/high_risk.htm. Accessed on 14DEC2016
- Dena L. Schanzer et al., 2008. Co-morbidities associated with influenza-attributed mortality,1994–2000, Canada. Vaccine 26 (2008) 4697-4703
- Nichol et al. N Engl J Med 2003;348:1322-32.
- Nichol et.al. Annals of internal Medicine 1999; 130: 397-403
- Ingrid Looijmans-Van den Akker et al, 2006. Clinical effectiveness of first and repeat influenza vaccination in adult and elderly diabetic patients. Diabetes Care 2006 Aug;29(8):1771-6. doi: 10.2337/dc05-2517
- Avram S Bukhbinder et al, 2022. Risk of Alzheimer’s Disease Following Influenza Vaccination: A Claims-Based Cohort Study Using Propensity Score Matching. J Alzheimers Dis. 2022;88(3):1061-1074.
Quý bác sĩ có thể tham khảo file pdf bài trình bày tại ĐÂY.
Vắc-xin cúm mùa: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai
ThS.BS. Lâm Minh Yến
Nguyên PGĐ Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM
Cúm đã được mô tả từ thời Hipocrate và thế giới đã trải qua nhiều trận đại dịch cúm khác nhau, tiêu biểu là đại dịch cúm Tây ban Nha năm 1918 cướp đi 20-40 triệu sinh mạng và gần đây là “Cúm lợn -H1N1” năm 2009(1). Vi rút cúm thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được chia thành 3 týp A, B và C. Vỏ glycoprotein của vi rút bao gồm 2 kháng nguyên: kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (neuraminidase). Hiện tại vi rút cúm A đã có 18H và 11N. Trong quá trình lưu hành của vi rút cúm A, 2 kháng nguyên này, đặc biệt là kháng nguyên H, luôn luôn biến đổi. Những biến đổi nhỏ liên tục (gọi là trôi kháng nguyên – antigenic drift) tạo ra các chủng vi rút cúm thay đổi hàng năm. Đôi khi có các đột biến lớn làm thay đổi cấu trúc kháng nguyên (antigenic shift) tạo ra các phân týp kháng nguyên mới – là căn nguyên gây ra đại dịch cúm trên toàn cầu.
Vắc-xin cúm được phát triển và sản xuất đầu tiên năm 1933 là vắc-xin đơn giá với chủng A/H1N1 sau đó điều chỉnh tăng dần với các kháng nguyên bề mặt của các chủng vi rút cúm A và cúm B khác để cho ra đời vắc-xin nhị giá (1 cúm A và 1 cúm B), tam giá (2 cúm A và 1 cúm B) và hiện nay hầu hết vắc-xin cúm mùa là vắc-xin tứ giá (chứa các kháng nguyên bề mặt của A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria và B/Yamagata). Việc chọn chủng vi rút cúm nào để đưa vào công thức vắc-xin hàng năm sẽ được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo dựa trên: giám sát dịch tễ, giám sát di truyền và kháng nguyên của vi rút cúm, giám sát diễn tiến bệnh, mô hình tiên lượng sự xuất hiện loại vi rút cúm, giám sát hiệu lực của vắc-xin trên toàn cầu(2).
Có nhiều vắc-xin cúm mùa và được phân loại theo nhiều cách khác nhau:
- Phân loại cổ điển: phân loại kinh điển của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gồm vắc xin bất hoạt (tiêm bắp) và vắc xin sống giảm độc lực (hít qua mũi)
- Phân loại theo số lượng và thành phần kháng nguyên: vắc xin tam giá (TIV) và vắc xin tứ giá (QIV).
Vắc xin tứ giá chứa các kháng nguyên của vi rút cúm A/H1N1 pdm2009; A/H3N2; B/Victoria và B/Yamagata nên có độ bao phủ rộng hơn vắc xin tam giá chỉ chứa kháng nguyên A/H1N1 pdm2009; A/H3N2; B/Victoria hoặc B/Yamagata - Phân loại theo liều lượng kháng nguyên bề mặt: Vắc xin liều chuẩn (standard dose) và vắc xin liều cao (high dose). Vắc xin liều cao (hàm lượng kháng nguyên gấp 3-4 lần) có thể giúp tạo ra đáp ứng miễn dịch tốt hơn ở người lớn tuổi(3)
- Phân loại theo công nghệ sản xuất: vắc xin sản xuất trên phôi trứng gà, vắc xin nuôi cấy trên tế bào, vắc xin với công nghệ tái tổ hợp và hiện nay đang nghiên cứu và phát triển vắc-xin với công nghệ mARN
Hiện tại ở Việt nam, các vắc-xin đang lưu hành là vắc-xin cúm mùa bất hoạt nuôi cấy trên phôi trứng gà, tam giá hoặc tứ giá, dạng mảnh hoặc tiểu đơn vị, với liều lượng kháng nguyên chuẩn (standard dose). KHÔNG có một khuyến cáo ưu ái cho một vắc-xin nào từ cơ quan quản lý y tế nên có thể sử dụng bất kỳ vắc-xin cúm mùa nào đã được đăng ký và cấp phép.
Tham khảo:
- Murphy B.R. et al, 1994. Introduction to pandemic influenza through history. Virology, IInd edition, New York, 1990, 1091-2.
- Hannoun C. Role of international networks for the surveillance of influenza. Eur Journal of Epidemiol 1994;10:459-61
- US-CDC 2023. GRADE: Higher Dose and Adjuvanted Influenza Vaccines for Persons Aged ≥65 Years. Available at GRADE: Higher Dose and Adjuvanted Influenza Vaccines for Adults Aged ≥65 Years | CDC
Quý bác sĩ có thể tham khảo file pdf bài trình bày tại ĐÂY.