Thư ngỏ
Một trong những hiện tượng dân số trong thế kỷ XXI là con người sống lâu hơn. Thời Đế Quốc La Mã , tuổi thọ trung bình của con người chỉ 22, đầu thế kỷ XX tuổi thọ trung bình là 55 và đến nay là 75 tuổi. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cũng tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Năm 1989 tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) ở Việt Nam chiếm 7,2% dân số, năm 2007 là 9,45%. Theo kết quả điều tra biến động dân số, Nguồn lao động và kế hoạch hoá gia đình 01-04-2008 của Tổng cục Thống kê, thì tỷ lệ người cao tuổi của nước ta đạt 9,9%. Theo dự báo của Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi thì tỷ lệ này có thể đạt 16,8% vào năm 2029.
Tăng tuổi thọ trung bình là một tín hiệu đáng mừng cho tình trạng sức khỏe của người dân, nhưng hệ quả của gia tăng tuổi thọ là số người cao tuổi ngày càng nhiều với những nhu cầu về xã hội và y tế cũng đang ngày càng gia tăng.
Lão khoa là một chuyên ngành y khoa nhằm phục vụ cho đối tượng người cao tuổi với những nét đặc thù riêng. Tuổi già thường đi kèm với sự suy giảm chức năng tất cả các cơ quan và giảm khả năng bù trừ. Do đó, bệnh nhân cao tuổi thường nhập viện với nhiều vấn đề và do nhiều nguyên nhân gây nên. Một bệnh nhân trẻ tuổi với bệnh cảnh sốt, thiếu máu, có âm thổi ở tim và tiểu máu vi thể có thể do viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, nhưng nếu đó là bệnh cảnh ở một bệnh nhân lớn tuổi thì chẩn đoán có thể là sự phối hợp giữa nhiễm trùng tiểu, hẹp van động mạch chủ và thiếu máu do viêm loét dạ dày do thuốc. Vì lý do trên và do những đặc thù riêng, người cao tuổi thường được chỉ định hoặc tự ý dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Theo thống kê tại Mỹ, khoảng 2/3 người trên 60 tuổi phải dùng thuốc mỗi ngày và hơn một nửa những người đang dùng thuốc theo toa có trên 4 thứ thuốc. Theo thống kê tại Anh, tình trạng sử dụng nhiều thuốc (từ 5 thứ thuốc trở lên) xảy ra ở 40-60% người cao tuổi. Tại Việt Nam dù chưa có thống kê chính thức nhưng đa số toa thuốc dành cho bệnh nhân lớn tuổi đều chứa từ 3 loại thuốc trở lên.
Chính vì những đặc điểm trên, thầy thuốc tất cả chuyên khoa đòi hỏi phải có tầm nhìn, kiến thức tổng quát tốt trong điều trị bệnh cho người cao tuổi và phải biết được hiệu quả của thuốc trên cơ địa đặc biệt này, lượng giá được các nguy cơ tác dụng phụ của thuốc, quyết định dùng liều thích hợp và có kế hoạch theo dõi đáp ứng điều trị. Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, thầy thuốc cần thường xuyên trau dồi kiến thức lão khoa, tham gia quá trình đào tạo y khoa liên tục, cập nhật những bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng và áp dụng các bằng chứng đó cho từng bệnh nhân cao tuổi cụ thể.
Vì những lý do trên, nhu cầu cấp thiết cần có một môi trường để các cán bộ y tế quan tâm đến lĩnh vực điều trị bệnh cho người cao tuổi cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm, góp phần thiết thực vào việc điều trị và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta. Sau một thời gian được các Thầy thuốc có uy tín trong ngành phác thảo điều lệ, lên chương trình hoạt động và phương hướng hoạt động, Hội Lão Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh ra đời nhằm đáp ứng những nhu cầu trên.