Sống thọ và sống có ích cho người khác luôn luôn là niềm mơ ước của mọi người trên hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên khi bắt đầu bước vào tuổi 50, hệ tiêu hóa của con người bắt đầu giảm hiệu suất hoạt động, hệ miễn dịch suy yếu, thị lực giảm, răng yếu, mũi kém nhạy, tuyến nước bọt tiết ít khiến người lớn tuổi cảm thấy ăn không ngon miệng, da bị lão hóa và các tế bào trong cơ thể có xu hướng bị phân hủy dưới tác động của các gốc tự do sản sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, nhằm giúp thực hiện mơ ước sống thọ và khỏe mạnh, các nhà khoa học đã tìm và đưa ra những bí quyết giúp con người có thể “trường sinh bất lão” mà không cần sử dụng những loại thuốc đắt tiền, tốn kém. Áp dụng được những biện pháp này, tuổi thọ của con người có thể kéo dài thêm ít nhất 20 năm.
1. Ăn nhiều rau tươi: các nhà khoa học Ý đã chứng minh chỉ cần mỗi ngày ăn 1 chén rau sống là có thể tăng 2-5 năm tuổi thọ, vì trong rau tươi có chứa rất nhiều chất chống oxy hóa tế bào thuộc nhóm polyphenol, beta caroten, sinh tố A, B, và C đều là những chất có tác dụng phòng ngừa lão hóa và kháng ung thư. Các nhà khoa học phân thành 5 nhóm rau tươi gồm:- Rau nhiều lá có màu sẫm: ngò rí, rau mùi, bắp cải, rau diếp, xà lách xoong, cỏ linh lăng, rau mầm, mùi tây, hành lá, cải xanh, rau dền, rau ngót, rau muống…- Rau dạng quả: cà chua, bí đỏ, bí xanh, mướp đắng, tiêu xanh, ớt chuông, cà tím, cà dĩa, dưa leo, đậu bắp…- Rau dạng hoa: bông cải trắng, bông cải xanh, bông bí, bông so đũa, bông điên điển, bông thiên lý, bông artichaud, hoa cọ, bông hẹ, bông tỏi…- Rau dạng cành, cuống: cần tây, măng tây, giá sống, nấm các loại như nấm rơm, nấm hương, nấm bào ngư, nấm kim châm, nấm mỡ, nấm mối, nấm mèo…- Rau dạng rễ củ: củ cải đường, củ cải trắng, cà rốt, củ hành tây, củ tỏi, khoai lang, khoai tây, khoai sọ, khoai mỡ, củ sắn, hoàng tinh… Nên ăn những loại rau cải này với liều lượng khác nhau, mỗi loại một ít và thay đổi trong thực đơn mỗi ngày để có thể hấp thu đa dạng và phong phú các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Ăn rau tươi tốt hơn rau nấu chín vì khi nấu chín sẽ bị mất khoảng 30% thành phần các chất có khả năng ngăn ngừa các loại ung thư. Chất xơ giúp làm giảm lượng cholesterol và đường trong máu, tốt cho hệ thống tiêu hóa và ngăn chận chứng ung thư ruột kết, tối thiểu nên ăn 200-300g chất xơ mỗi ngày.
2. Ăn nhiều loại hạt:- Hạt có chứa nhiều tinh bột (ngũ cốc), chất xơ, protein và đặc biệt là nhiều khoáng tố như K, Na, Mg, Fe, Ca, axit folic, vitamin B và E rất có lợi cho sức khỏe. Hạt ngũ cốc gồm gạo, bắp, lúa mì, yến mạch, hướng dương, bí ngô, các loại đậu như đậu ván, đậu tây, đậu hà lan, đậu lăng, đậu lima, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng, đậu nành, đậu tương (đậu hủ, chao…). Hãy ăn 3 chén đậu mỗi tuần. Hơn nữa, đây còn là thành phần tạo hương vị cho món súp, món thịt hầm và khiến đĩa salad trở nên hấp dẫn hơn. Nhớ thêm vào thực đơn của bạn đậu lima, đậu đen, nói chung là bất cứ loại đậu nào. Buổi điểm tâm sáng với một ly sữa pha bột ngũ cốc hoặc 1 chén cháo đậu là tốt nhất.- Hạt có nhiều dầu béo: các nhà nghiên cứu ở Đại học Loma Linda (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu tìm hiểu lối sống của 34.000 tín đồ Hội thánh Cơ đốc Phục lâm đã thấy rằng những người có tuổi thọ cao thường ăn các loại thực phẩm hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt điều, đậu phọng, mè trắng, mè đen khoảng 5 lần trong mỗi tuần, lý do vì trong các loại hạt này có chứa nhiều vitamin và dầu béo có lợi cho sức khỏe và giúp tăng tuổi thọ, sống lâu, phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới và ung thư vú ở phụ nữ. Nên ăn các loại hạt tuy nhiên khẩu phần chất béo chỉ chiếm khoảng 30% lượng calo hàng ngày để tránh béo phì.
3. Ăn nhiều trái cây: ngoài vitamin A giúp ngăn ngừa cườm mắt, quáng gà, chống lão hóa da, vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp các vết thương mau lành và làm tăng sự hấp thu chất sắt, vitamin E giúp trẻ lâu. Nhiều khoáng tố vi lượng và hơn nữa trái cây còn chứa các đường đơn giúp cơ thể dễ hấp thu, nhiều axit hữu cơ giúp kích thích tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, vì vậy có thể ăn trái cây ở nhiều dạng khác nhau:- Dạng tươi hoặc nước ép tươi: cam, bưởi, nho, chanh, tắc, quýt, chanh dây, dâu tây, sơ ri- Dạng quả thịt như chuối, xoài, đu đủ, dâu, thơm, dưa hấu, thanh long, me.- Quả có hạt như táo, lê, mận, đào, mơ, mận, mộc qua, sung, vả, chà là, kiwi, lựu, ổi, nho.Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm bác sĩ thuộc Trung tâm y khoa Dallas, Đại học Southwestern (Texas), đã chứng minh sự kết hợp của vitamin A, C và E rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch, bệnh ung thư, bệnh Alzheimer và loạn dưỡng cơ bắp thịt, nhờ đó con người khỏe mạnh hơn và tuổi thọ kéo dài hơn. Tuy nhiên cách ăn trái cây tốt nhất là nên ăn trước các bữa ăn và chỉ nên ăn lúc dạ dày rỗng sẽ giúp sự hấp thu tuyệt đối. Ăn nhiều loại trái cây và ăn đúng cách sẽ giúp làn da được cải thiện và trông trẻ hơn ít nhất 5 tuổi.
4. Ăn thêm sữa chua, hoặc uống sữa có bổ sung men vi sinh, giúp cân bằng hệ tiêu hóa và phòng chống táo bón ở người cao tuổi, đồng thời cũng đảm bảo lượng calci cho cơ thể, chống loãng xương, vì vậy mỗi ngày nên ăn thêm 1 cốc sữa chua.Nếu gia đình bạn có người già, bạn nên đặc biệt chú ý đến thực đơn của các bữa ăn, vì nhu cầu về dinh dưỡng của người già đặc biệt hơn các thành viên khác trong gia đình. Nên ăn nhẹ, nhiều bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng và ăn sao cho ngon miệng.
(nguồn: trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ TPHCM)