“Cần phải cười nhiều” – CFCN: Mô hình cô đọng trong đánh giá lão khoa toàn diện
Tại hội nghị Lão khoa 2025, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí – Chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM đã nhấn mạnh vai trò của đánh giá lão khoa toàn diện và giới thiệu mô hình CFCN – “Cần phải cười nhiều” như một giải pháp tinh gọn, hiệu quả giúp sàng lọc và chăm sóc toàn diện người cao tuổi.
Đánh giá lão khoa toàn diện nhằm tối ưu hóa chăm sóc y tế cho người cao tuổi
Mở đầu bài báo cáo, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí nhấn mạnh, đánh giá lão khoa toàn diện (CGA) không chỉ là nhiệm vụ của bác sĩ chuyên ngành lão khoa mà còn là trách nhiệm của toàn bộ nhân viên y tế.
Tuy nhiên, việc thực hiện CGA không hề đơn giản, kể cả thầy thuốc lão khoa, càng không dễ đối với các chuyên khoa khác từ bác sĩ đến nhân viên y tế. Phó giáo sư nhận định, CGA là một quy trình đa chiều, không chỉ dừng lại ở việc chẩn đoán bệnh mà còn phải xem xét các vấn đề khác. CGA giúp bác sĩ phát hiện toàn diện các vấn đề sức khỏe của bệnh nhân (thể chất, tinh thần) nhằm tối ưu hóa việc chăm sóc y tế cho người cao tuổi.
Chuyên gia đưa ra các hội chứng lão khoa chính như: Suy yếu, suy giảm nhận thức, suy dinh dưỡng, té ngã và nguy cơ gãy xương, loét tì đè, tiểu không tự chủ, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm… Phó giáo sư nhận định, hội chứng lão khoa nhiều, chồng lấn và khó phân biệt, nhưng không thể bỏ sót. Cần giản lược đủ sâu để dễ nhớ, đủ đúng để không sai, đó là nhiệm vụ của ngành lão khoa.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí – Chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM nhận định, mô hình CFCN giúp cô đọng những vấn đề then chốt nhất trong lão khoa
Mô hình đánh giá lão khoa toàn diện CFCN – Cần phải cười nhiều
Tại hội nghị, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí giới thiệu mô hình CFCN – viết tắt của bốn trụ cột chính trong chăm sóc lão khoa:
C (Chronic diseases): Bệnh mạn tính, dùng đa thuốc
F (Frailty): Suy yếu, nguy cơ té ngã, hoạt động chức năng suy giảm
C (Cognition): Suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, trầm cảm, sảng, giảm tương tác xã hội
N (Nutrition): Dinh dưỡng – đặc biệt là suy dinh dưỡng, thiếu protein
Vị chuyên gia đặc biệt lưu ý đến vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân. Phó giáo sư cho rằng, nếu chữa bệnh mà không chú ý đến dinh dưỡng, bệnh nhân sẽ không khỏi, sau đó tìm cách cho bệnh nhân về để giảm tỷ lệ tử vong.
“Chính nền dinh dưỡng mới có thể điều trị khỏi bệnh cho bệnh nhân, đói thì không thể nào cười được”, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí chia sẻ.

Phó giáo sư nhận định, mô hình CFCN giúp cô đọng những vấn đề then chốt nhất trong lão khoa. Có thể xem đây như một phiên bản CGA cô đọng và thực tiễn, dễ áp dụng trong môi trường lâm sàng bận rộn. CFCN đơn giản, dễ nhớ, dễ dùng cho mọi nhân viên y tế, kể cả không chuyên về lão khoa.
Bên cạnh đó, CFCN có thể ứng dụng hiệu quả để giải quyết các vấn đề ở ba nhóm: thể chất (suy yếu, té ngã, loét tì đè…), tâm thần – nhận thức (trầm cảm, sa sút trí tuệ…), và bệnh lý toàn thân (đa bệnh lý, dùng nhiều thuốc…).
Đặc biệt, CFCN còn liên quan chặt chẽ đến tam giác lão khoa. Ví dụ đau thắt ngực ổn định, lúc này chỉ nghĩ đến điều trị mà quên mất việc cần phải cười nhiều. CFCN là nền tảng không cho phép người thầy thuốc bỏ qua, hiểu mà không làm là điều đáng trách đối với người thầy thuốc.


PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí cũng đề cập đến việc ứng dụng các tiến bộ y học trong chăm sóc người cao tuổi. Trong đó có công nghệ số, giúp theo dõi dinh dưỡng, giấc ngủ, vận động; y học chính xác, nhằm đánh giá miễn dịch định kỳ, điều chỉnh dinh dưỡng, bổ sung vi chất.
Vắc xin là yếu tố rất quan trọng, người cao tuổi suy giảm miễn dịch, do đó tiêm phòng định kỳ giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh truyền nhiễm phổ biến.
Liệu pháp tăng cường miễn dịch: Bên cạnh vaccine, các chế phẩm miễn dịch có nguồn gốc từ vi khuẩn như Uro-Vaxom và Broncho-Vaxom cũng là những giải pháp hiệu quả. Cả hai chế phẩm này đều an toàn, dễ sử dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt khi được sử dụng đúng liệu trình.
Riêng về dinh dưỡng, Phó giáo sư nhấn mạnh vai trò đặc biệt của sữa: giàu protein, canxi, vitamin, chất chống oxy hóa và các yếu tố tăng cường miễn dịch.
Sữa dành cho người cao tuổi cần được bổ sung công thức phù hợp như tăng protein, canxi, loại bỏ lactose… và hỗ trợ bổ sung nước, đây là yếu tố nhiều người già thường thiếu do cảm giác khát kém.
Chuyên gia ví sữa như “trụ cột giữ cho ngôi nhà khỏi đổ” ở người già, thể hiện vai trò sống còn trong việc duy trì sức khỏe người cao tuổi.
Cuối bài chia sẻ, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí khẳng định, CFCN là giải pháp thực tiễn, nhanh, chính xác, dễ triển khai, đặc biệt tại các cơ sở y tế không chuyên sâu. Dù không thay thế được CGA, nhưng CFCN là bước khởi đầu thiết yếu trong hướng tiếp cận chăm sóc toàn diện người cao tuổi.
>>> “Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn xã hội già năm 2036 và siêu già năm 2060”
Hội nghị Khoa học thường niên 2025 do Hội Lão khoa TPHCM tổ chức trong 3 ngày (từ 11 – 13/4) với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý người cao tuổi”. Chương trình thu hút 1.600 y bác sĩ, nhân viên y tế về tham dự. Hội nghị là diễn đàn quy tụ các chuyên gia là Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ… hàng đầu trong các lĩnh vực Y học Việt Nam. Những cái tên bảo chứng cho chất lượng hội nghị hàng đầu có thể kể đến: GS.TS.BS Võ Thành Nhân – Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp TPHCM; GS.TS.BS Đặng Vạn Phước – Chủ tịch Hội Tim mạch TPHCM; PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí – Chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM; PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay – Chủ tịch Hội Đông Tây y kết hợp TPHCM; PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc – Chủ tịch Hội Bệnh tự miễn Cơ Xương Khớp TPHCM… Nội dung hội nghị với 131 bài báo cáo trình bày bởi hơn 104 báo cáo viên, tổ chức song song tại 6 hội trường. |